Có bao giờ khi đang quét nhà hoặc dọn phòng tắm các nàng phải giật mình thon thót khi thấy mớ tóc tả tơi của mình dưới sàn chưa? Rụng tóc hẳn là nỗi ám ảnh chung vì nếu tóc cứ rụng mãi thì cũng sẽ đến lúc chẳng còn cọng nào để mà rụng! Nhưng liệu nàng đã hiểu rõ về tóc rụng?
Rụng tóc tự nhiên
Nghĩa là chả làm gì tóc vẫn cứ rụng! Thực ra đây là quá trình tự nhiên của cơ thể, khi các biểu bì da đầu tại chân tóc mềm, yếu hoặc bị giãn nở làm gốc tóc rơi ra. Mỗi ngày sẽ có khoảng 70 – 100 sợi tóc “chia tay” với da đầu, tương đương với 1% tổng số tóc mà các nàng có. Các yếu tố về giới tính, di truyền và chế độ dinh dưỡng cũng sẽ có ảnh hưởng đến quá trình rụng tóc tự nhiên của chúng ta.
Rụng tóc do tác động
Các hoạt động hàng ngày như chải tóc, buộc tóc, tạo kiểu hoặc thậm chí gội đầu cùng có thể là nguyên nhân của việc rụng tóc. Chải tóc quá mạnh hoặc cột tóc quá chặt sẽ làm bứt gốc tóc khỏi da đầu, sau khi chải đầu hoặc tháo dây buộc tóc, các nàng hãy quan sát xem có nhiều sợi tóc rụng hay không để “cư xử” nhẹ nhàng hơn với mái tóc của mình nhé!
Khi gội đầu nhiều, tóc và da đầu sẽ không cân bằng được độ ẩm, tóc ướt sẽ nặng hơn, kết hợp với động tác gãi đầu sẽ dễ bứt gốc tóc khỏi da đầu. Còn nếu quá lười gội đầu thì bụi bẩn và mồ hôi sẽ bít chân tóc, da đầu khô xốp và yếu hơn làm tóc cũng dễ rụng hơn.
Chỉ gội đầu khi cảm thấy cần thiết chứ đừng tự đưa ra những mốc thời gian cố định cho bản thân, vì mỗi hoạt động, mỗi môi trường đều sẽ tác động khác nhau đến độ sạch hay dơ của mái tóc. Ngoài ra, các chị em cũng nên hạn chế việc sấy tóc vì nhiệt độ cao làm tóc và da đầu mất độ ẩm rất nhanh.
Cách ngăn ngừa tóc rụng
1. Gội đầu đúng cách
Gội đầu đúng cách tưởng chừng là một chuyện ai-cũng-biết, nhưng chưa chắc ai cũng làm đúng. Trên thực tế, biết gội đầu đúng cách cũng là biện pháp để giảm hư tổn, ngăn tóc rụng. Với mái tóc xơ yếu hoặc đã bị tổn thương, cần lưu ý một vài điểm khi gội đầu như:
- Sử dụng lượng dầu gội vừa phải, kết hợp massage nhẹ nhàng da đầu theo hình tròn. Tránh chà xát quá mạnh hoặc vò rối khiến tóc vốn đã hư tổn lại còn dễ gãy rụng hơn.
- Ngưng thói quen gội đầu vội vã, phải đảm bảo gội sạch dầu gội và bụi bẩn ra khỏi tóc.
- Không nên gội đầu quá nhiều lần. Tốt nhất bạn chỉ nên gội đầu từ 2-3 lần/tuần. Dầu gội có tác dụng làm sạch bụi bẩn và làm cho da đầu, tóc khỏe mạnh, nếu làm sạch quá mức có thể lấy đi rất nhiều dầu trên tóc khiến cho tóc và da đầu bị khô.
- Hạn chế dùng nước quá nóng khi gội đầu. Mức nhiệt độ từ 40-45 độ là thích hợp nhất để gội đầu. Tránh làm hư tổn tóc bởi nhiệt độ quá cao.
2. Dùng lược chải tóc phù hợp
Tóc hư tổn thường rụng nhiều sau khi gội đầu và chải tóc. Vì vậy chọn lựa lược chải chính xác cũng là cách để ngăn ngừa tóc rụng, tránh làm tổn thương tóc. Trong số đó, lược mái chèo là sự lựa chọn tốt nhất, vừa không tốn kém mà lại hạn chế tối đa lượng tóc rụng sau mỗi lần chải. Cấu tạo với đầu tròn mịn cùng nhiều răng có thể kích thích tuần hoàn máu để giúp các sợi tóc chắc khỏe hơn. Đặc biệt lược mái chèo còn giúp bạn giải quyết tình trạng tóc rối do khô xơ. Khi chải tóc cần lưu ý chải từng đoạn, tránh giật mạnh, sẽ giúp gỡ rối tóc hoàn toàn mà không gây rụng tóc.
3. Lưu ý chăm sóc tóc khi tạo kiểu
Thường xuyên dùng hoá chất hoặc các dụng cụ nhiệt để uốn xoăn, duỗi, nhuộm màu… cho mái tóc khiến tóc bạn bắt đầu trở nên hư tổn và dễ gãy rụng. Vì thế bạn cần lưu ý chăm sóc tóc ngay sau khi tạo kiểu bằng các biện pháp như:
- Sử dụng xịt dưỡng chứa keratin sau khi sử dụng các dụng cụ nhiệt để hạn chế những tác động gây tổn thương khi tóc phải tiếp xúc với nhiệt độ cao.
- Dầu xả và sử dụng dầu hấp là hai thứ không thể thiếu.
- Hạn chế tối đa việc tẩy tóc và nhuộm tóc quá sáng màu. Nên nhuộm với những màu gần màu tóc tự nhiên của bạn nhất. Nhờ đó hạn chế tóc yếu đi và nhạy cảm dưới các tác động của môi trường do mất lớp melanin bao phủ.
- Chỉ nên làm tóc với hoá chất 2 lần/năm để tóc có đủ thời gian tự phục hồi.
Do hư tổn
Không khó để có thể nhận ra một mái tóc hư tổn: tóc thiếu độ bóng, tóc khô xơ, chẻ ngọn, dễ gãy rụng. Hư tổn ở đây có thể do tác động trực tiếp từ bên ngoài hoặc do sự thiếu hụt chất dinh dưỡng bên trong sợi tóc.
Sợi tóc được cấu tạo từ 88% protein keratin và các thành phần khác như nước, chất béo, hydrat carbon, vitamin và khoáng chất, vì vậy hãy xem như tóc cũng là một-cơ-thể-sống. Khi không được “ăn uống” đầy đủ dưỡng chất, “cơ thể” ấy sẽ dần yếu đi, khô khốc và dễ đứt gãy. Đã thế lại phải thường xuyên tiếp xúc với môi trường khắc nghiệt hay độc hại như ép nhiệt, uốn lạnh, hấp, nhuộm, tẩy… thì sớm hay muộn cơ thể ấy cũng sẽ bị đầu độc đến chết.
Nghe thì có vẻ rùng rợn nhưng đó là thực tế. Rụng tóc hoặc tóc hư tổn có thể là chuyện nhỏ nhưng ung thư da đầu lại là chuyện lớn đấy! Chỉ đổi màu tóc cách nhau ít nhất từ 4 – 6 tháng chứ đừng “thay màu tóc như thay áo” nhé!
Các nàng cũng đừng quên một chế độ dưỡng tóc hợp lý bằng cách thường xuyên ủ tóc với các loại mặt nạ từ thiên nhiên như trái bơ, mật ong, dầu dừa, trứng gà… kết hợp với mát-xa da đầu để nuôi dưỡng tóc từ gốc đến ngọn, kích thích tóc mọc nhanh và dày hơn. Nàng sẽ luôn có mái tóc đẹp rạng ngời bất chấp!
Nguồn tham khảo: Tóc rụng vs Tóc hư tổn – Liệu bạn có phân biệt được? | Đẹp365